Cấu hình Mac Studio mình dùng để benchmark:
- M1 Max 10-core CPU, 24-core GPU
- 32GB Unified Memory
- 1TB SSD
RAM trên Mac Studio là Unified Memory, khác với những chiếc máy tính khác khi cả CPU, GPU và SSD đều dùng chung một bộ nhớ đó và nó có băng thông cực kì lớn. Trong bài test của mình, mình đều test chung một quy trình như những chiếc máy tính khác, và dung lượng 64GB hay 32GB chỉ thể hiện được sự khác biệt khi dùng các tác vụ render cực kì nặng như bài test Handbrake hay Premiere Pro mà thôi.
Như anh em thấy qua những bài test về hiệu năng thô của CPU lẫn GPU thì cả hai phiên bản 32GB RAM và 64GB RAM không có sự chênh lệch quá lớn, có thể nói là tương đương nhau ở hầu hết tất cả các bài test.
Geekbench 5
MacBook Pro 16 inch M1 Max mình so sánh có 32 nhân GPU, so với 24 nhân GPU của M1 Max trên Mac Studio. Cũng không lạ khi điểm số về đồ hoạ trên Geekbench 5 của MacBook Pro sẽ nhỉnh hơn một chút.
Cinebench
Với bài test Cinebench thì MacBook Pro 16 inch M1 Max cũng thể hiện sự khác biệt một chút giữa 16 nhân và 10 CPU so với Mac Studio. Đây là bài test nhằm thể hiện khả năng render hình ảnh và sử dụng thuật toán xử lý của CPU để đưa ra kết quả.
GFX Bench
GFX Bench nhằm đánh giá về khả năng xử lý đồ hoạ của máy, mình chỉ lấy điểm ở bài test nặng nhất và Mac Studio thể hiện khá tốt. Nếu so với M1 của Mac mini thì rõ ràng Mac Studio là một chiếc máy tính để bàn với cách biệt hiệu năng lớn.
Hand Brake
Bài test Hand Brake chúng ta sẽ lấy điểm FPS đồng thời thời gian encode video càng ngắn thì sẽ tốt hơn. Cả Mac Studio và MacBook Pro 16 inch M1 Max đều có thời gian gần như tương đương nhau, thậm chí 32GB (trên Mac Studio) còn xử lý nhanh hơn một chút so với 64GB của MacBook Pro. Như mình đã nói thì mức dung lượng ít phản ánh được sự khác nhau.
BlackMagic Disk Speedtest
MacBook Pro 16 inch M1 Max.
Mac Studio M1 Max.
Công cụ đo tốc độ truy xuất của SSD phổ biến trên những chiếc máy Mac, trong sự kiện Apple có nói rằng tốc độ SSD của MacBook Pro mới rất cao, lên tới gần 7GB/s, tốc độ này ngang ngửa với các SSD chuẩn PCIe 4.0 hiện nay và như kết quả đo được bên trên, anh em sẽ thấy tốc độ thực tế của SSD MacBook Pro 16" 2TB đạt được là khoảng 5800MB/s -6300MB/s ghi tuần tự và khoảng 5200MB/s - 5400MB/s đọc tuần tự. So với chiếc Samsung 980 Pro PCIe 4.0 mod @bk9sw đã từng test qua thì đọc tuần tự của 980 Pro cao hơn khi đạt khoảng 6000MB/s.
Với Mac Studio 1TB SSD cũng có tốc độ ghi và đọc cũng rất cao, tuy mình để ý là là máy chưa đạt được đến ngưỡng 6000MB/s như trên MacBook Pro.
Adobe Premiere Pro
Bọn mình thử Premiere Pro trên file Nikon Z6 4K30p với độ dài 12 phút 45 giây, bao gồm một số edit như:
- Chỉnh màu (color correct).
- Chống rung (warp stabilizer).
- Đồ hoạ animation (Preset làm từ After Effects).
Chênh lệch giữa Mac Studio M1 Max 1TB và MacBook Pro 16 inch 2TB tầm khoảng 1 phút, mà thời gian xuất video hơn nhau 1 phút cũng khá đáng kể (8 phút của MacBook Pro và 9 phút 48 của Mac Studio).
Nhưng nhìn chung có thể thấy Mac Studio đảm nhiệm rất tốt các bài test về CPU, GPU. Với mình thì nếu chúng ta tìm kiếm một chiếc máy tính Mac để bàn thì lựa chọn Mac Studio rất phù hợp cho các nhu cầu làm việc khác nhau.
Cũng đừng mong đợi rằng Mac Studio M1 Max sẽ nhỉnh hơn MacBook Pro, hay kể cả phiên bản 14 inch M1 Max thì Mac Studio chỉ ở mức tương đương. Mình nghĩ rằng Apple tập trung Mac Studio cốt lõi là option M1 Ultra, khi mọi thứ đều mạnh hơn rất nhiều và thật sự dành cho những người dùng làm việc chuyên nghiệp trong “phòng studio” đúng nghĩa.
Bọn mình cũng sẽ có bài thử benchmark với chip M1 Ultra trên Mac Studio khác, từ đó có thể tham chiếu rõ hơn giữa M1 Max và M1 Ultra như thế nào.