Đánh giá ASUS Zenbook S 16: Thiết kế mỏng nhẹ, CPU Ryzen AI chạm đỉnh 50 TOPS!
- Người viết: Lộc Vũ lúc
- Tin tức
50 TOPS, màn hình cảm ứng 120Hz, chip Ryzen AI 9, thiết kế mỏng nhẹ,… là những điểm “ăn tiền” của ASUS Zenbook S 16. Tuy nhiên, trong một thị trường laptop cạnh tranh khốc liệt, liệu chiếc máy này có đủ sức nổi bật và thuyết phục người dùng lựa chọn thay vì các đối thủ khác?
Cuộc đua AI trên laptop đang nóng lên khi các hãng chip lớn như AMD, Intel và Qualcomm không ngừng cải tiến NPU. Với con chip Ryzen AI 9 mới nhất đạt 50 TOPS, ASUS Zenbook S 16 OLED đã trở thành một trong những chiếc laptop AI mạnh mẽ nhất hiện nay. Tuy nhiên, liệu hiệu năng ấn tượng này có xứng đáng với mức giá gần 1.400 USD. Hãy cùng nhau đánh giá chiếc laptop này nhé.
Thiết kế: Zenbook S 16 vẫn đậm chất riêng ấn tượng
Zenbook S 16 gây ấn tượng mạnh ngay từ cái nhìn đầu tiên với thiết kế khung máy độc đáo. Trông như kim loại nhưng cũng giống như nhựa tái chế. ASUS gọi chất liệu này là "Ceraluminum," một loại nhôm phủ gốm tạo hiệu ứng mờ, mang lại vẻ ngoài sang trọng, cao cấp nhưng cũng chắc chắn và hạn chế uốn cong.
S 16 khá nhẹ đối với một chiếc laptop 16 inch; chỉ nặng 1,50 kg, đủ để bạn dễ dàng mang theo mà không cần bỏ vào túi hoặc vỏ laptop. Mở máy ra, bạn sẽ thấy một màn hình gương bóng bẩy. Viền màn hình của chiếc laptop này khá mỏng, viền ở hai bên màn hình sẽ mỏng hơn hai viền trên và dưới. Dù có bản lề khá cứng và chắc, chiếc laptop này vẫn có thể mở bằng một ngón tay mà không bị nghiêng, chênh màn hình.
Tổng thể, đây là một chiếc laptop có vẻ ngoài đẹp với lớp hoàn thiện mờ tinh tế trên khung máy. Nhờ vào họa tiết sọc tinh tế và tên thương hiệu được in bằng bạc trên mặt A của máy, người dùng vẫn có thể nhận dạng được thương hiệu Asus và dòng lap Zenbook. Tuy vậy, Zenbook S 16 vẫn có vẻ ngoài thanh lịch và sang trọng.
Màn hình: Suýt nữa điểm 10 cho Zenbook S 16
ASUS đã trang bị cho Zenbook S 16 một tấm nền Lumina OLED 16 inch, 3K (2880x1800), 120Hz với độ chính xác màu sắc ấn tượng. Theo kết quả kiểm tra bằng máy đo màu SpyderX Pro, màn hình của máy đạt 100% gam màu DCI-P3 cùng 100% sRGB và 94% Adobe RGB. Đây là một chiếc laptop tuyệt vời cho những ai cần một màn hình màu sắc chuẩn xác để chỉnh sửa ảnh, video hoặc thiết kế đồ họa.
Màn hình 120Hz của Zenbook S 16 mang lại trải nghiệm mượt mà hơn, đặc biệt là khi vuốt chạm hoặc chơi game. Tốc độ làm mới cao giúp giảm hiện tượng mờ khi chuyển động và cải thiện trải nghiệm tổng thể khi sử dụng.
Tính năng cảm ứng của màn hình cũng rất tiện lợi, cho phép người dùng tương tác trực tiếp với màn hình, tăng cường sự linh hoạt trong việc điều hướng và sử dụng các ứng dụng cảm ứng. Điều này đặc biệt hữu ích cho những người làm công việc sáng tạo, thiết kế,...
Khi tắt HDR, Zenbook S 16 đạt độ sáng cao nhất là 375 nits và thấp nhất là 4 nits. Khi bật HDR, độ sáng tối đa tăng nhẹ lên 385 nits và độ sáng tối thiểu không thay đổi. Tuy nhiên, độ sáng tối đa 385 nits khi bật HDR có thể chưa đủ để làm việc ngoài trời.
Cấu hình: Zenbook S 16 bám sát top sức mạnh CPU AI
Nói về cấu hình, Zenbook S 16 bản mình trên tay chạy CPU Ryzen AI 9 HX 370, GPU AMD Radeon 880M, Ram 32GB LPDDR5X và 1TB SSD. Đầu tiên, mình kiểm tra bộ xử lý Ryzen AI 9 HX 370 mới của AMD với các bài kiểm tra CPU như Geekbench 6 và Cinebench 2024.
Như mong đợi, Ryzen AI 9 HX 370 nằm ở giữa các thiết bị dùng bộ xử lý di động Core Ultra 7 155H của Intel trong Geekbench 6. Điều thú vị là AMD đã vượt qua chip M3 của Apple trong MacBook Pro 14 inch (16GB RAM) về hiệu suất đa luồng, nhưng điểm số đơn nhân vẫn nghiêng về phía macOS.
Với Cinebench 2024 Zenbook S 16 cũng cho kết quả tương tự. Chiếc laptop này đã vượt qua Surface Pro 11 của Microsoft nhờ hệ thống tản nhiệt tốt hơn với quạt truyền thống. Tuy nhiên, Surface Laptop 7, Yoga Slim 7x của Lenovo và Vivobook S 15 của ASUS vẫn vượt trội với CPU Snapdragon X Elite ARM của Qualcomm, cho thấy tiềm năng của Windows trên Arm so với x86-64.
Với PCMark 10 mô phỏng các ứng dụng năng suất hàng ngày, Zenbook S 16 thể hiện tốt khi vượt qua ASUS Zenbook Duo với bộ xử lý Intel Core Ultra 9 185H 45W. Benchmark CrossMark của BAPCo cũng cho kết quả Zenbook S 16 vượt qua Surface Pro 11 và Surface Laptop 7 của Microsoft, vì cả hai chiếc laptop này đều phải chạy CrossMark qua giả lập.
Về GPU, Radeon 890M mới trong Ryzen AI 9 HX 370 cho thấy nhiều triển vọng với điểm 3DMark Time Spy khá cao. Zenbook S 16 đã vượt qua Radeon 780M thế hệ trước của AMD và chip Z1 Extreme trong các thiết bị chơi game cầm tay như ROG Ally và Legion Go của Lenovo. Tuy nhiên, Intel vẫn dẫn đầu với đồ họa Intel Arc di động trong Zenbook Duo của ASUS và Slim 7i của Lenovo.
Trải nghiệm: AI trên Zenbook S 16 còn có thể tốt hơn
ASUS đã hợp tác cùng Stability AI và TensorStack để trang bị cho Zenbook S 16 ứng dụng Amuse, cho phép người dùng tự tạo hình ảnh AI ngay trên máy nhờ mô hình Stable Diffusion. Điểm nhấn của chip AMD Ryzen AI 300 Series là khả năng tăng gấp đôi kích thước hình ảnh nhờ công nghệ AMD XDNA Super Resolution.
Trong thử nghiệm tạo hình ảnh "con mèo đội mũ đỏ" bằng mô hình SDXL Turbo, Zenbook S 16 với kết quả 2.8 giây đã hoàn thành nhanh hơn đáng kể so với 8.9 giây trên Lenovo Slim 7i 14. Tuy nhiên, việc tận dụng tối đa sức mạnh của NPU XDNA vẫn còn hạn chế.
Hiện tại, việc đánh giá hiệu năng của NPU XDNA còn gặp nhiều khó khăn do thiếu các benchmark chuẩn và sự hỗ trợ hạn chế từ hệ điều hành. Các tính năng như Live Captions trên Windows 11 chưa tận dụng được NPU của AMD. Để khai thác hết tiềm năng của NPU XDNA, chúng ta cần chờ đợi thêm các bản cập nhật phần mềm và sự phát triển của các benchmark chuyên dụng.
Bàn phím và Touchpad: Zenbook S 16 mà cứ ngỡ Zephyrus
Bàn phím chiclet trên Zenbook S 16 mang lại cảm giác gõ khá ổn với hành trình phím 1.1mm vừa phải. Tuy nhiên, đèn nền phím khá mờ và chỉ rõ ràng khi bạn để mức sáng cao nhất. Phím Copilot và các phím mũi tên có kích thước nhỏ hơn so với các phím còn lại, gây bất tiện trong quá trình sử dụng. Việc bố trí các phím cũng không được tối ưu với nhiều khoảng trống thừa.
Bàn di chuột Precision trên Zenbook S 16 mang lại trải nghiệm mượt mà, tuy nhiên, tiếng "cạch" nhẹ khi nhấn có thể gây chút khó chịu với một số người dùng. Tính năng kích hoạt ứng dụng ScreenXpert khi chạm vào góc trên bên phải bàn di chuột khá tiện lợi. Nhưng đôi lúc bạn sẽ bấm nhầm khi sử dụng touchpad. Việc bố trí các thanh trượt thay đổi âm lượng và độ sáng trực tiếp trên bàn di chuột có phần thừa thãi với mình khi đã quen thao tác với các phím chức năng F2 - F6.
Cổng kết nối và loa: Zenbook S 16 có chút lợi thế
Hệ thống âm thanh 6 loa được Harman Kardon tinh chỉnh trên Zenbook S 16 mang đến trải nghiệm nghe nhạc khá ấn tượng, đặc biệt khi thưởng thức các nội dung hỗ trợ Dolby Atmos. Vị trí của các loa tweeter giúp âm thanh được khuếch tán tốt hơn khi đặt laptop trên bàn.
Tuy nhiên, việc bố trí lưới loa ở phía trước khiến âm thanh có phần hạn chế khi sử dụng laptop trên đùi. Nếu nhà sản xuất tận dụng khoảng trống xung quanh bàn phím để đặt loa, chất lượng âm thanh có thể được cải thiện hơn nữa. Dù vậy, với âm bass chắc chắn và khả năng cân bằng âm tốt, hệ thống âm thanh này vẫn đáp ứng đủ nhu cầu nghe nhạc hàng ngày.
Về cổng kết nối, S 16 vẫn trang bị đầy đủ các cổng cho người dùng gồm: hai cổng USB-C 4.0, một cổng USB-A 3.2 Gen 2, jack tai nghe 3.5, HDMI cùng khe cắm thẻ SD full-size. Cá nhân mình muốn có máy một cổng USB-C ở mỗi bên để tiện sử dụng, nhưng điều này không phải là vấn đề lớn.
Thời lượng pin và khả năng tối ưu nhiệt độ của Zenbook S 16 khá tốt
Để cạnh tranh trong thị trường laptop AI, ASUS cần cải thiện đáng kể thời lượng pin của Zenbook S 16. Mặc dù 13 giờ 11 phút là một con số khá tốt, nhưng vẫn còn khoảng cách so với các đối thủ sử dụng chip Snapdragon X Elite của Qualcomm, nổi tiếng với khả năng tiết kiệm năng lượng vượt trội. Việc tối ưu hóa hiệu suất năng lượng của các vi xử lý Ryzen thế hệ mới sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASUS trong thời gian tới.
Khi hoạt động ở chế độ hiệu năng cao (chạy các bài kiểm tra 3DMark), Zenbook S 16 đạt nhiệt độ tối đa 58,2°C ở mặt dưới và 51,3°C ở khu vực tản nhiệt. Tuy nhiên, khi chuyển sang chế độ sử dụng pin và các tác vụ nhẹ nhàng hơn, nhiệt độ máy giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 32,6°C. Có thể thấy, hệ thống tản nhiệt của máy hoạt động khá hiệu quả khi duy trì nhiệt độ ở mức chấp nhận được trong hầu hết các trường hợp sử dụng.
Để có khả năng giữ nhiệt tốt cho máy khi sử dụng, quạt tản nhiệt của S 16 phải hoạt động khá mạnh, tạo ra tiếng ồn ở mức 52,5 dBA khi ở chế độ hiệu năng cao. Tuy nhiên, trong các tác vụ hàng ngày như xem phim hay lướt web, tiếng ồn của máy chỉ khoảng 34,5 dBA.
Kết luận
Cuộc chiến chip AI trên laptop ngày càng nóng lên. ASUS đặt cược vào AMD Ryzen AI 9 cho Zenbook S 16, hứa hẹn mang đến sức mạnh AI đáng kể. Tuy nhiên, con số 50 TOPS của NPU đủ để soán ngôi Qualcomm, vốn đang dẫn đầu với Snapdragon X Elite.
Dù vậy, ASUS vẫn có những lợi thế riêng, đặc biệt là ở mức giá hấp dẫn và hiệu năng đồ họa ấn tượng. Bên cạnh đó, dù NPU chưa ấn tượng, nhưng vẫn ASUS đang tận dụng tốt sức mạnh đồ họa và CPU của AMD để mang đến trải nghiệm người dùng tuyệt vời.
.Hãy đến Digiworld Hà Nội để trải nghiệm sản phẩm.